Như cây con trong quá trình lớn lên, ngoài tố chất của hạt giống, nó còn chịu ảnh hưởng của đất, của nước, của nắng mưa và sự chăm sóc của người nông dân. Trẻ con cũng vậy, quá trình trưởng thành của trẻ cũng chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, trong đó, 3 yếu tố môi trường, nền tảng giáo dục và sự nỗ lực tự thân của mỗi người đã, đang và sẽ tiếp tục làm thay đổi phiên bản gốc, giúp trẻ trưởng thành hơn mỗi ngày.
1. MÔI TRƯỜNG QUAN TRỌNG HƠN TỐ CHẤT
Yếu tố môi trường, đặc biệt là môi trường gia đình đóng vai trò then chốt tác động trực tiếp đến sự trưởng thành của trẻ từ tư duy, tính cách, hành vi, đến cách con đối xử với bản thân mình và phản ứng với thế giới xung quanh.
Yếu tố môi trường ảnh hưởng đến con từ khi còn là bào thai. Mọi cảm xúc, suy nghĩ và hành động của người mẹ trong thai kỳ, con đều cảm nhận được. Nếu người mẹ áp dụng các phương pháp thai giáo trong giai đoạn này chắc chắn sẽ để lại dấu ấn trong sự phát triển não bộ của con.
Từ khi con chào đời, những người mà con thường xuyên tiếp xúc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành nhân cách của con. Quý phụ huynh hãy dành thời gian bên con, quan sát con để kịp thời có những phương pháp giao tiếp và định hướng giáo dục phù hợp giúp con phát huy ưu điểm trong tính cách đồng thời tiết chế những nhược điểm càng sớm càng tốt, bởi trong những năm đầu đời,
tính cách của trẻ được định hình và ảnh hưởng sâu sắc tới tương lai của con
Từ khi sinh ra đến 1,5 tuổi: Nuôi dưỡng cảm giác tin tưởng
Đây là giai đoạn trẻ phát triển cảm giác tin tưởng vào người khác thông qua các giác quan, đặc biệt là trực giác. Trẻ thiết lập mối quan hệ gắn bó với người chăm sóc mình thông qua những biểu cảm, hành động như khóc khi đói, buồn ngủ, khi thấy khó chịu hoặc biểu cảm vui vẻ, tươi cười khi được người chăm sóc đáp ứng kịp thời những nhu cầu hoặc trò chuyện vui đùa cùng trẻ. Lúc này, trẻ sẽ bắt đầu xây dựng cảm giác tin tưởng, gắn bó sâu sắc với người chăm sóc mình, thông thường là người mẹ. Chính vì thế, người mẹ là cả thế giới đối với một đứa trẻ. Trong gia đình, con cái thường có xu hướng tin tưởng và yêu thương mẹ mình hơn cũng là vì lý do này.
Khi một đứa trẻ có được cảm giác tin tưởng, chúng sẽ có thái độ lạc quan và tích cực vào cuộc sống hơn. Ngược lại, nếu trong năm đầu tiên trẻ không có người chăm sóc để xây dựng cảm giác tin tưởng, chúng sẽ bất an, sợ hãi, bi quan về mọi thứ. Vì vậy, trong năm này, dù trẻ chưa biết nói, chưa biết đi, chưa làm được gì cả nhưng tính cách của con đã bắt đầu hình thành. Nếu bố mẹ muốn con mình sau này tình cảm với bố mẹ, hãy ở bên cạnh chăm sóc ít nhất cho tới khi con được một tuổi. Những em bé khi mới chào đời chưa được bao lâu, nếu được giao cho bà hay cho người giúp việc chăm sóc thường có xu hướng tin tưởng & gắn bó với người trực tiếp chăm sóc hơn bố mẹ. Điều này có thể dẫn đến sự mất kết nối giữa con và bố mẹ trong những năm tiếp theo.
Giai đoạn từ 1,5 tuổi – 3 tuổi: Nuôi dưỡng ý thức tự chủ
Khi con 2 tuổi, con đã biết nói, biết đi, rất khó để giữ nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng. Trẻ lúc này thường rất nghịch phá, leo trèo khắp nơi, chạm cái này sờ cái kia, chạy nhảy lung tung. Trên thực tế, trẻ chỉ muốn đạt được cảm giác tự chủ bằng cách kiểm soát cơ thể của mình theo ý muốn. Giai đoạn này, bố mẹ cần sẵn lòng cho phép trẻ khám phá nhiều thứ để có được cảm giác tự chủ. Nếu lúc này, bố mẹ không cho phép trẻ được làm những gì con muốn, chẳng hạn như không cho phép trẻ chạm tay vào thứ gì đó, thậm chí đánh vào tay. Điều này sẽ khiến trẻ hình thành cảm giác sợ hãi, nhút nhát và thiếu tự tin. Khi lớn lên, trẻ có xu hướng sợ không dám trải nghiệm, không dám hành động.
Tùy vào tính cách của con, bố mẹ lựa chọn phương pháp giao tiếp động viên, khích lệ, truyền cảm hứng, hay là tin tưởng và giao trách nhiệm, khen ngợi, ghi nhận. Quan trọng nhất là bố mẹ cần luôn hiện diện bên cạnh con để giải thích cho con những nguyên tắc cần tuân thủ để đảm bảo an toàn cho con khi không có bố mẹ ở bên.
Trẻ 03 – 05 tuổi: Nuôi dưỡng sự chủ động
Đây là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của con. Trước 3 tuổi, nhiều hoạt động của trẻ bị bố mẹ chi phối nhưng sau 3 tuổi, con sẽ bắt đầu chủ động làm mọi thứ theo ý mình. Ở giai đoạn này, trẻ sẽ có những chính kiến của mình, không phải lúc nào cũng nghe lời bố mẹ. Vì vậy mới xuất hiện khái niệm: “Khủng hoảng tuổi lên ba”. Trẻ rất thích được tự làm thay vì nhờ bố mẹ làm hộ. Con thường nói “để con làm” mỗi khi uống sữa, mặc quần áo, dọn dẹp đồ… Có thể con không làm tốt mọi thứ, thậm chí còn làm rối tung lên nhưng bố mẹ không nên trách móc, không nên ngăn cản sự tự lập của con, tạo thành tính ỉ lại, không chủ động, thậm chí lười biếng trong tương lai.